Năm nào cũng vậy, cứ đến gần ngày giỗ bố chồng là vợ chồng tôi lại nặng trĩu lo lắng – mà nói thẳng ra là lo về tiền bạc. Nếu có điều kiện thì chẳng nói làm gì, nhưng khổ nỗi, chúng tôi chỉ đủ ăn đủ mặc, tháng nào may mắn thì dư ra được chút đỉnh, còn không thì cứ chật vật xoay sở.
Ấy vậy mà suốt 10 năm làm dâu, năm nào mẹ chồng cũng đưa cho tôi đúng 100 nghìn đồng rồi bảo:
– Con lo làm 5 mâm cỗ tươm tất, đừng để khách khứa chê cười!
Lúc đầu, tôi tưởng mẹ nói đùa. Nhưng không, năm nào cũng vậy, cứ 100 nghìn tròn trĩnh, còn lại vợ chồng tôi tự lo liệu. Càng nghĩ, tôi càng ấm ức. Chồng tôi là con trai cả trong nhà, dưới anh còn ba cô em gái, ai cũng đã lập gia đình. Ngay từ ngày về làm dâu, tôi và mẹ chồng đã không hợp nhau, nhưng tôi vẫn cố gắng nhẫn nhịn vì chồng tôi rất thương mẹ. Anh luôn nói:
– Mẹ vất vả cả đời rồi, giờ mẹ có tuổi mình nên phụng dưỡng chu đáo em ạ!
Tôi hiểu, làm con ai cũng muốn báo hiếu cha mẹ. Nhưng cái gì cũng cần có sự công bằng. Mẹ chồng tôi có lương hưu 5 triệu một tháng, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ góp một đồng nào vào bữa ăn trong nhà hay mua cho cháu một hộp sữa. Tiền bà để làm gì, tôi không quan tâm, nhưng đến giỗ chồng mình, bà cũng chỉ đưa cho con dâu 100 nghìn rồi mặc kệ.
Tôi than thở với chồng, anh lại bênh mẹ chằm chặp:
– Em cứ lo đi, không đủ thì mình gắng mà bù vào. Người ta có một người mẹ còn chẳng xong, đây mẹ có mỗi mình anh là con trai…
Nghe chồng nói vậy, tôi đành ngậm bồ hòn làm ngọt, năm nào cũng chắt bóp chi tiêu để dành tiền làm giỗ. Nhưng càng chịu đựng, tôi càng cảm thấy mình như người ngoài trong căn nhà này.
Mọi chuyện tưởng chừng cứ thế trôi qua cho đến một ngày, tôi đi làm về sớm và nghe thấy tiếng cười nói rôm rả trong nhà. Từ ngoài sân, tôi đã thấy ba cô em chồng quây quần bên mẹ, thi nhau nịnh nọt. Một lát sau, trước khi ba cô con gái ra về, mẹ chồng tôi rút ra ba cái hộp nhỏ, dúi vào tay từng người rồi dặn dò:
– Mỗi đứa một chỉ vàng, nhưng đừng có nói gì với chị dâu, không lại đến tai nó.
Tôi đứng ngoài, nước mắt cứ thế trào ra. Tôi không phải tiếc ba chỉ vàng, mà là tiếc cho chính mình – bao nhiêu năm chăm lo cho mẹ chồng, cuối cùng vẫn chỉ là người dưng trong lòng bà.
Năm nay, đến gần ngày giỗ bố chồng, mẹ chồng lại gọi tôi vào phòng, đặt lên bàn tờ 100 nghìn đồng quen thuộc:
– Nhà dạo này khó khăn lắm, mẹ chỉ có từng này thôi, con cố mà lo giỗ chu đáo!
Tôi khẽ cười, nhận tiền mà trong lòng đã có sẵn kế hoạch. Mọi năm tôi vẫn đặt cỗ ngoài hàng, năm nay tôi vẫn đặt. Nhưng thay vì thanh toán trước, tôi bảo nhà hàng cứ giữ cỗ, chờ tôi gọi mới mang đến.
Sáng hôm đó, tôi giả vờ bảo điện thoại hỏng rồi mượn tạm máy chồng để tiện liên hệ. Anh chẳng nghi ngờ gì, vui vẻ đưa cho tôi. Đến 10 giờ trưa, mẹ chồng hốt hoảng gọi điện cho tôi:
– Sao chưa thấy ai mang cỗ đến? Khách khứa sắp đến đông đủ rồi!
Tôi ung dung về nhà. Nhìn thấy khách đã đến mà mâm bàn vẫn trống trơn, tôi âm thầm đắc ý. Đúng như tôi đoán, mẹ chồng vội vàng bảo các cô con gái gọi điện cho chồng tôi để trách móc nhưng chẳng ai liên lạc được với anh cả. Mấy người nháo nhào cả lên.
Đến lúc này, tôi mới thản nhiên nói:
– Tháng này con bị ốm, không có tiền trả cỗ nên người ta chưa mang đến. Cỗ hết 4 triệu, ai có tiền thì góp vào để họ giao ngay!
Ba cô em chồng nhìn nhau, rồi đồng loạt nhìn mẹ. Một lát sau, họ bấm bụng rút ví. Nhìn từng tờ tiền được đếm ra, tôi thở phào nhẹ nhõm. Không biết mẹ chồng và ba cô em chồng có hiểu được cảm giác vợ chồng tôi đã phải chật vật xoay sở như thế nào trong suốt 10 năm qua không? Tôi chỉ mong sau lần này họ sẽ có trách nhiệm hơn với chuyện chung của gia đình.
Khách khứa về hết, mẹ chồng tức tối kể hết mọi chuyện với chồng tôi. Anh vừa nghe xong liền tát tôi một cái đau điếng. Tôi choáng váng. Không phải vì đau, mà vì thất vọng. Đến lúc này, tôi chẳng còn gì để giữ ý nữa. Tôi nghẹn ngào nói:
– Bố mẹ đẻ ra con, nuôi lớn con thành người, con còn chưa báo hiếu được ngày nào. Cớ sao con đi lấy chồng, làm được đồng nào phải lo cho cả nhà chồng?
Giỗ bố mẹ có tiền mà không bỏ ra, ba cô em gái cũng chỉ mua ít trái cây rồi đến ăn cỗ chứ không góp một đồng. Cả cái nhà này chỉ có con dâu là phải nai lưng ra lo hết. Con không gánh nổi nữa!
Tôi nhìn chồng, nhìn những người trong nhà. Họ im lặng, không ai phản bác, nhưng cũng không ai đứng về phía tôi. Cuối cùng, họ vẫn chỉ nghĩ tôi là con dâu tệ bạc, không biết chăm lo cho gia đình chồng như những người phụ nữ khác.
Tôi chán nản quá. 10 năm qua tôi đã nhẫn nhịn, đã cố gắng hết sức để làm tròn bổn phận nhưng cuối cùng tôi có được coi là người nhà không?