Bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến, đổi mới cách đánh giá

Từ năm học này, ở cấp THCS và THPT sẽ không còn các danh hiệu học sinh tiên tiến hay phân loại học lực thành các mức Giỏi, Trung bình, Yếu, và Kém.

Không còn xếp loại học lực giỏi, trung bình, yếu, kém

Theo báo Lao động, từ năm học 2024-2025, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai cho các lớp 5, 9, 12, đánh dấu năm thứ năm và cũng là năm cuối cùng của quá trình áp dụng chương trình mới và sách giáo khoa mới cho tất cả các cấp học.

Theo đó, Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT – điều chỉnh Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT được ban hành kèm Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 – sẽ hết hiệu lực.

Từ năm học 2021-2022, khi bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc đánh giá và xếp loại học sinh đã được thực hiện theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Thông tư 22 có hiệu lực từ ngày 5/9/2021, với lộ trình áp dụng: năm học 2021-2022 cho lớp 6; năm học 2022-2023 cho lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 cho lớp 8 và lớp 11; và từ năm học 2024-2025 cho lớp 9 và lớp 12.

Theo Thông tư 22, đối với các môn đánh giá bằng nhận xét sẽ có hai mức: Đạt và Chưa đạt. Những môn đánh giá kết hợp giữa nhận xét và điểm số sẽ có bốn mức: Tốt, Khá, Đạt, và Chưa đạt.

Trong những năm trước, khi vẫn giảng dạy song song Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc xếp loại học sinh được thực hiện đồng thời theo Thông tư 22 và Thông tư 26, với các mức xếp loại học lực như Giỏi, Trung bình, Yếu, Kém.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm học 2024-2025, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được áp dụng đồng loạt trên toàn bộ các lớp, cách xếp loại học lực sẽ thay đổi để thống nhất theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến

Từ năm học này, hệ thống danh hiệu học tập của học sinh THCS và THPT sẽ không còn danh hiệu “học sinh tiên tiến”. Thay vào đó, chỉ còn lại hai danh hiệu chính:

  • Học sinh xuất sắc: dành cho học sinh có kết quả rèn luyện và học tập cả năm đạt mức “tốt”, cùng với điểm trung bình từ 9,0 trở lên ở ít nhất sáu môn được đánh giá bằng cả nhận xét và điểm số.
  • Học sinh giỏi: dành cho học sinh có kết quả rèn luyện và học tập cả năm được đánh giá mức “tốt”.

Ngoài ra, học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập, hoặc đạt thành tích đặc biệt, sẽ được hiệu trưởng nhà trường xem xét và khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên tuyên dương.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/bo-danh-hieu-hoc-sinh-tien-tien-doi-moi-cach-danh-gia-d246618.html